Trong các gia đình hiện đại, khi bố mẹ bận rộn với công việc, ông, bà nội ngoại phải cùng chung tay chăm sóc con cháu mình. Những gia đình nhiều thế hệ như vậy thường tình cảm, nhiều tiếng cười nhưng bên cạnh đó cũng nảy sinh các vấn đề phức tạp trong quá trình dạy dỗ trẻ. Nhất là khi tình cảm đứa trẻ giành cho hai bên dường như có sự chênh lệch.
Có những đứa trẻ cảm thấy thích thú khi được ở với ông bà ngoại nhưng cũng có những đứa trẻ cho rằng bà nội thương mình hơn. Vậy sự khác biệt này đến từ đâu và bà ngoại hay bà ngoại là người nhận được sự "thiên vị" từ các cháu hơn?
Ảnh minh họa
Trẻ thân thiết hơn với bà nội hay bà ngoại?
Một nhà tâm lý học người Hà Lan đã chọn ngẫu nhiên 831 đứa trẻ và tiến hành khảo sát, thống kê về mức độ gần gũi trong mối quan hệ giữa ông bà ngoại, ông bà nội với trẻ.
Kết quả cho thấy những đứa trẻ này thường xuyên gặp bà ngoại của chúng hơn so với bà nội. Vì vậy, trẻ thường gần gũi với bà ngoại hơn. Ngay cả khi bà ngoại sống ở xa, bà vẫn đến thăm con cháu thường xuyên hơn bà nội.
Tương tự, nhà tâm lý học tiến hóa người Mỹ Todd DeKay cũng tiến hành một nghiên cứu trên 120 trẻ em. Chuyên gia nhận ra rằng sự gần gũi tâm lý của đứa trẻ với bốn người lớn tuổi là khác nhau theo thứ tự là bà ngoại, bà nội, ông ngoại và ông nội.
Điều này được nhà tâm lý học phát triển người Anh John Bowlby lý giải là có một mối quan hệ tình cảm tự nhiên đặc biệt giữa trẻ sơ sinh và những người chăm sóc. Chẳng hạn, khi con buồn ngủ, đói, mệt, ốm, người mẹ luôn có thể ứng phó kịp thời, mối quan hệ gắn bó an toàn và tin cậy này sẽ được thiết lập.
Ở góc độ này, chỉ cần bà ngoại ở bên chăm sóc cháu lâu dài và đáp ứng kịp thời khi trẻ có nhu cầu thì họ có thể trở thành người mà trẻ gắn bó. John Bowlby đã đề cập đến "nền tảng an toàn" trong lý thuyết gắn bó, ám chỉ một người an toàn và gần gũi mà trẻ có thể dựa vào khi khám phá thế giới, chủ yếu là người chăm sóc.
Nhiều gia đình nói rằng con cái của họ gần gũi với bà ngoại, điều đó có thể có nghĩa là bà luôn ở bên chăm sóc cháu và cháu có cảm giác an toàn 100% khi ở bên bà.
Trên thực tế, bà nội không phải lo lắng về việc mình bị "ra rìa" nếu ở gần cháu thường xuyên hoặc quan tâm cháu đúng cách.
Trẻ em có thể phát triển mối quan hệ gắn bó an toàn với nhiều người cùng một lúc. Tình cảm của trẻ hoàn toàn có thể chia đều cho bà ngoại và bà nội nếu có quá trình tiếp xúc và đồng hành tương tự. Do đó, không có sự cạnh tranh nào giữa hai bên.
Trong lòng đứa trẻ có bà nội hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc bà có khiến đứa trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương trong quá trình hòa hợp với trẻ hay không.
Ảnh minh họa
Điều gì khiến cháu gần gũi với bà ngoại hơn?
Bà ngoại có tỷ lệ chăm sóc em bé cao hơn
Trong một cuộc khảo sát hơn 2.000 người về việc chăm sóc con cái, gần một nửa chọn bà ngoại là người chăm sóc các con. Lựa chọn cao thứ hai là tự mình chăm sóc, tiếp theo là bà nội.
Từ góc độ lý thuyết gắn bó của John Bowlby, khi trẻ còn nhỏ, về cơ bản chúng được bà ngoại chăm sóc nên hiển nhiên sẽ gắn bó và sẽ trở nên thân thiết.
Đứa trẻ tuy còn nhỏ nhưng có thể cảm nhận được từ sự đồng hành và các mối quan hệ hàng ngày. Ai yêu nó nhiều hơn và ai ở bên nhiều hơn sẽ gần gũi họ hơn. Thậm chí, nhiều trẻ thân thiết với ông và hơn cả bố mẹ.
Sự đồng nhất quan điểm nuôi dạy trẻ
Trên thực tế, trong quá trình từ lúc mang thai đến khi sinh con, chăm sóc con, người mẹ chịu nhiều đau đớn về cơ thể và áp lực tinh thần nhiều hơn. Ông bà ngoại với tư cách là cha, mẹ ruột điều đầu tiên quan tâm chính là con gái mình. Vì vậy, ông bà ngoại là người dễ có sự đồng cảm hơn, có thể đặt mình vào hoàn cảnh của con gái và suy nghĩ mọi vấn đề.
Tuy nhiên, cha mẹ cần nhớ rằng, ông bà không phải những người chịu trách nhiệm với cháu, phải trông nom chăm sóc cháu. Ông bà chăm sóc cháu đó là lựa chọn của họ. Đến tuổi của mình, họ hoàn toàn có quyền nghỉ ngơi, đi du lịch, tham gia các hội hè người cao tuổi. Với cháu, họ có quyền lựa chọn có vì thương con mà chăm sóc hay không và đương nhiên đấy không phải nghĩa vụ bắt buộc.
Phương Anh (Theo Toutiao)