Chứng khoán Mỹ 'cứu' doanh nghiệp khát tiền

02/02/2021 14:23
Covid-19 khiến các công ty có rủi ro cao bị ngân hàng ngừng cho vay, nhưng nhà đầu tư lại vui vẻ mua cổ phiếu và trái phiếu cho họ.

Covid-19 khiến các công ty có rủi ro cao bị ngân hàng ngừng cho vay, nhưng nhà đầu tư lại vui vẻ mua cổ phiếu và trái phiếu cho họ.

Mùa xuân năm ngoái, ngay khi Denny’s phải đóng cửa chuỗi nhà hàng 24 giờ trên khắp nước Mỹ suốt nhiều tuần vì lệnh phong tỏa, các chủ nợ của họ nhanh chóng cảnh báo công ty phải trả hết tiền. Với việc ngân hàng yêu cầu mức lãi suất cho vay cao cắt cổ, lãnh đạo của Denny’s quyết định chuyển sang phương án cuối cùng - thị trường chứng khoán.

Denny’s đã phát hành cổ phiếu mới để huy động gần 70 triệu USD – không thể giải quyết tất cả vấn đề của họ, nhưng đủ để tránh được thảm kịch. Và họ chỉ là một trong rất nhiều công ty được nhà đầu tư chứng khoán cứu bằng cách mua cổ phiếu khi thị trường đi lên.

Chứng khoán Mỹ 'cứu' doanh nghiệp khát tiền

Bên trong một cửa hàng của Denny's tại Las Vegas. Ảnh: WSJ

Xu hướng chứng khoán tăng khi nền kinh tế vẫn chới với tiếp tục kéo sang năm 2021. Và các doanh nghiệp vẫn đang tận dụng điều này. Tuần trước, chuỗi rạp phim AMC Entertainment Holdings thông báo sẽ phát hành 44,4 triệu cổ phiếu nữa. Sự tồn tại của AMC đang bị đe dọa trong đại dịch. Một nhóm tổ chức cho vay tại Wall Street mà AMC đang nợ 600 triệu USD cũng cho biết sẽ chuyển đổi nợ thành cổ phiếu, do kỳ vọng kiếm nhiều hơn từ nhà đầu tư cá nhân mua số cổ phiếu này.

"Đã nhiều năm rồi, thực sự là rất nhiều năm rồi, các doanh nghiệp mới quay lưng với ngân hàng", R. Christopher Whalen – một nhà quản lý tài sản tại New York cho biết trên NYT. Việc này hóa ra lại có lợi. Whalen nói. Các công ty thì có tiền mặt cần thiết, ngân hàng tránh được các khoản vay rủi ro và thậm chí có thể kiếm thêm từ việc giúp các công ty bán cổ phiếu và trái phiếu.

Trong trường hợp của Denny’s, nhà đầu tư có động lực để mua vào. Một số muốn tận dụng thông tin nới lỏng phong tỏa với các nhà hàng. Số khác thì cho rằng cổ phiếu Denny’s đã giảm quá mạnh, từ gần 21 USD đầu tháng 2 xuống chỉ còn 5 USD giữa tháng 3. Vì thế, giá chẳng còn cách nào khác ngoài đi lên.

Tuy nhiên, một số diễn biến thị trường khác năm 2020 lại chẳng có căn cứ nào. Như việc nhà đầu tư đổ xô mua cổ phiếu Hertz sau khi công ty này tuyên bố phá sản.

Nhưng dù động lực là gì, thì cùng không xuất phát từ lòng nhân từ. Năm ngoái, nhà đầu tư chỉ là khát lợi nhuận mà thôi. Khi Fed hạ lãi suất xuống quanh 0% và tích cực mua lại trái phiếu chính phủ, đẩy lợi suất xuống thấp kỷ lục, bất kỳ khoản đầu tư nào cũng có lợi hơn rồi.

Các doanh nghiệp Mỹ thì luôn sẵn sàng phát hành thêm cổ phiếu và trái phiếu. Theo Dealogic, thuộc nhóm phát hành nhiều nhất năm ngoái là các công ty cũng khốn khó như Denny’s, gồm American Airlines, United Airlines hay các hãng điều hành du thuyền Carnival, Royal Caribbean.

"Chúng tôi tin rằng các yếu tố nền tảng của công ty vẫn vững mạnh và người dân vẫn yêu thích du lịch bằng du thuyền", Giám đốc Tài chính của Carnival David Bernstein cho biết khi được hỏi về sự chấp nhận của thị trường trước các đợt phát hành của công ty, "Chúng tôi rất vui và biết ơn họ".

Thông thường, doanh nghiệp có thể huy động tiền bằng cách vay ngân hàng hoặc bán cổ phiếu cho nhà đầu tư. Số tiền này sẽ được dùng cho chi phí hàng ngày, để đầu tư mới hoặc mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên, năm ngoái, rất nhiều công ty phát hành trái phiếu và cổ phiếu chỉ để có tiền tồn tại.

Carnival đã huy động được 4,5 tỷ USD từ các đợt phát hành trong quý IV. CEO Arnold W. Donald tháng trước cho biết các đợt này "được đón nhận rất tích cực" và cũng rất cần thiết. Carnival đối mặt với nguy cơ "không doanh thu" khi bước vào năm nay. Nói cách khác, tiền của nhà đầu tư là cách duy nhất giúp họ duy trì hoạt động.

Kể cả các hãng hàng không - khác với các công ty du thuyền là không phải ngừng hoạt động hoàn toàn - cũng dựa vào tiền từ Wall Street. Tổng nợ của American Airlines đã vượt 40 tỷ USD năm ngoái. Ngày 10/11, khi đề xuất phát hành 38,5 triệu cổ phiếu, hãng cho biết số tiền này sẽ được "dùng vào mục đích chung của tập đoàn" và "củng cố thanh khoản của công ty". Nói dễ hiểu hơn là họ cần tiền để chi trả các chi phí.

Các công ty chịu tác động mạnh từ suy thoái cũng lựa chọn phát hành trái phiếu để có tiền. Quy mô các đợt phát hành này đã lên kỷ lục 2.280 tỷ USD năm ngoái – cao hơn 60% so với năm 2019. Đây cũng là giải pháp hấp dẫn, sau khi Fed hạ lãi suất và bắt đầu mua lại trái phiếu doanh nghiệp để bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, phát hành cổ phiếu có sức hút riêng. Nhất là nó không phải là nợ và không cần hoàn trả. Tổng cộng, các công ty đã huy động được 342 tỷ USD từ cổ phiếu năm ngoái, cao hơn 76% so với năm 2019. Các đợt IPO đóng góp 85 tỷ USD số đó. Điều này có nghĩa phần lớn tiền đến từ các doanh nghiệp phát hành thêm.

Theo Dealogic, bán cổ phiếu mạnh tay nhất là các hãng bất động sản. Sau đó đến các công ty trong ngành chăm sóc sức khỏe. Doanh nghiệp giải trí cũng thuộc top 6.

Các ngân hàng cũng kiếm được một chút từ những hoạt động này, nhờ khoản phí từ việc hỗ trợ doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Theo Dealogic, các ngân hàng thu về 17,36 tỷ USD từ mảng thị trường chứng khoán năm ngoái, tăng 121% so với năm trước đó. Doanh thu từ phí hỗ trợ phát hành cũng tăng 60% lên 11,3 tỷ USD.

Nguồn thu này rất quan trọng với các công ty tại Wall Street tập trung vào cho vay doanh nghiệp và hộ gia đình. Hồi tháng 1, các nhà băng lớn nhất Mỹ tiết lộ đã phải dùng đến khoản dự trữ khẩn cấp.

Hà Thu (theo NYT)Trở lại Kinh doanhTrở lại Kinh doanhChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

Chứng khoán Mỹ 'cứu' doanh nghiệp khát tiền - Nội Trợ