Sau một năm không tăng học phí vì Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, hai ngày trước, HĐND Thành phố Hà Nội công bố dự thảo học phí mầm non, phổ thông công lập giai đoạn 2022-2026.
Hà Nội áp dụng mức sàn trong khung học phí của Nghị định 81/2021. Mức này - gấp đôi so với 2021, và tăng thêm 20-40% mỗi năm sau đó, vẫn tạo ra gánh nặng với những phụ huynh như chị Sen.
Chị Sen sống tại quận Hà Đông cùng chồng và hai con gái lớp 6 và 10. Chị làm công việc dọn dẹp theo giờ tại các hộ gia đình, chồng làm nghề tự do. Hai con của chị nộp học phí theo mức thu vùng 1 - có mức đóng cao nhất - vì hộ khẩu thuộc nội thành.
Năm học tới, chị phải nộp cho mỗi con 300.000 đồng hàng tháng, gấp 1,4-2 lần mức hiện hành. Ba năm tiếp theo, học phí THCS và THPT của vùng 1 lần lượt tăng lên các mức 410.000, 530.000 và 650.000 đồng. "Gấp bốn lần mức đang đóng", chị Sen thốt lên sau khi so sánh 650.000 và 155.000 đồng, cho rằng đây là khoản không nhỏ.
Thu nhập của chị và chồng không ổn định, tháng nhiều nhất được 14 triệu đồng, nhưng có tháng chỉ một nửa. Chi phí học cho hai con tốn 5-6 triệu đồng mỗi tháng, cả bán trú, học liệu và học thêm. Trong bối cảnh thực phẩm, giá xăng và học phí của con đều tăng mà "tiền hai vợ chồng kiếm được chỉ ít đi chứ không nhiều lên", chị Sen nhận thêm việc bán hàng online để trang trải.
Hai cha con trước một điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ảnh: Tùng Đinh
Không chỉ những gia đình thu nhập bấp bênh ở nội thành, áp lực học phí cũng khiến các phụ huynh ngoại thành lo lắng.
Chị Nhàn, sống ở huyện Phúc Thọ, có thể phải nộp tổng cộng 300.000 đồng học phí mỗi tháng cho hai con lớp 7 và 10 trong năm học tới - mức áp dụng cho vùng 3, gồm các xã của 18 huyện, thị ngoại thành Hà Nội. Là gia đình cận nghèo, chị được giảm 50% học phí, còn 150.000 đồng. Số tiền sau giảm này vẫn cao hơn 1,5-2 lần so với mức đang đóng. "Đây không phải số tiền lớn so với rất nhiều thứ phải chi trong tháng, nhưng nó cũng khiến tôi vất vả hơn một chút", chị Nhàn nói.
Người mẹ một mình nuôi hai con, làm việc ở công ty may với mức lương dao động 5-6 triệu đồng một tháng. Chị chắt bóp từng đồng để đủ chi tiêu trong bối cảnh mọi thứ đều tăng giá. Hàng năm, ngoài lễ tết, đầu năm học luôn là khoảng thời gian khó khăn về tài chính với chị, bởi nhiều thứ phải chi cho con.
Không thạo về các nghị định hay chính sách, nhưng chị Nhàn cho rằng việc tăng học phí là có thể đoán trước bởi mọi thứ đều tăng. "Năm nay thu nhập của nhiều người vẫn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong đó có tôi. Nếu mức học phí mới được lùi 1-2 năm rồi mới áp dụng, tôi nghĩ sẽ hợp lý hơn", chị nói.
Hiệu trưởng một trường THCS chia sẻ với khó khăn và áp lực mà những gia đình thu nhập thấp đối mặt khi học phí tăng. Tuy nhiên, bà cho rằng những gia đình này đã được nhà nước hỗ trợ bằng các chính sách miễn, giảm học phí, nên gánh nặng đã nhẹ phần nào. Với những phụ huynh có thu nhập trung bình khá trở lên, bà nhận định mức tăng không gây nhiều khó khăn, vì "mức chi cho việc học thêm của con cao hơn nhiều so với học phí".
Ở góc độ quản lý, bà đánh giá việc tăng học phí là cần thiết, đúng lộ trình nhằm tăng chất lượng giảng dạy trong các nhà trường, giúp học sinh có môi trường học tập tốt hơn. 60% học phí sẽ được dùng cho các hoạt động của trường, từ chuyên môn đến những sửa chữa nhỏ liên quan tới cơ sở vật chất; 40% trích lập quỹ lương cho giáo viên.
Học sinh trường THPT Việt Đức, quận Ba Đình, trở lại trường sáng 4/12. Ảnh: Giang Huy
Lý giải về việc tăng học phí, bà Đào Hải Yến, Phó phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết dự thảo được xây dựng theo khung học phí mới của Chính phủ tại Nghị định 81/2021.
Tại khung này, mức sàn (thấp nhất) và mức trần (cao nhất) của học phí từng cấp được quy định cụ thể theo ba khu vực: thành thị, nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi, áp dụng trong giai đoạn 2022-2025. Trên cơ sở khung của Chính phủ, HĐND các tỉnh, thành sẽ quyết định mức học phí cụ thể với từng trường tại từng địa bàn.
Trong năm đầu tiên triển khai, Hà Nội dự định áp dụng mức thấp nhất tại khung học phí mà Chính phủ quy định với mọi vùng và cấp học, rồi tăng tiếp trong những năm sau.
Bà Yến giải thích, quy định của Chính phủ cho phép các địa phương tăng khung học phí từng năm, tối đa 7,5%. Nghĩa là đến năm 2025, mức trần học phí hàng tháng có thể là 670.000 đồng (với bậc mầm non) và 806.000 đồng (THCS và THPT) ở thành thị. Đến năm 2026, một Nghị định mới về mức học phí sẽ được ban hành, khung học phí sẽ lại có mức trần và sàn khác.
"Vì Hà Nội đã áp dụng mức học phí thấp nhất có thể vào năm 2022, nếu các năm sau tăng quá ít, học phí của Hà Nội sẽ thấp hơn nhiều so với mức trần mà Chính phủ quy định, đến khi phải áp dụng khung mới vào 2026, phụ huynh có thể bị sốc", bà Yến diễn giải và đề cập đến tình trạng đang xảy ra ở TP HCM khi mức học phí mới và hiện hành chênh nhau cao nhất 5 lần.
Bà Yến giải thích thêm "nói là tăng nhanh, nhưng học phí năm 2025 mà Hà Nội dự kiến áp dụng cũng chỉ bằng mức trần của năm 2022 theo khung của Chính phủ".
Trong một khảo sát trên VnExpress, tính đến sáng 22/5, về mức học phí dự kiến của Hà Nội, 80% độc giả cho rằng, mức tăng này là quá cao; 11% cho là hợp lý, nhưng nên lùi thời điểm áp dụng; chỉ 9% cho đây là mức thu phù hợp.
Nằm trong thiểu số 9%, chị Liên đồng ý tăng học phí nhưng kỳ vọng chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất sẽ được cải thiện.
Với tổng thu nhập gần 40 triệu đồng, chị Liên và chồng, sống tại quận Đống Đa, khẳng định học phí của con gái lớp 8 tăng từ 155.000 lên 300.000 đồng mỗi tháng "không phải vấn đề". Dù vậy, người mẹ quan tâm đến việc số tiền này sẽ được dùng vào đâu.
"Từ nguồn học phí mới, tôi hy vọng những đồ dụng, dụng cụ bị hỏng hoặc thiếu sẽ được trường sửa chữa hoặc đầu tư mua mới ", chị Liên nói và cho rằng cách hữu dụng nhất để thuyết phục phụ huynh về hiệu quả của chính sách tăng học phí là cho cha mẹ thấy, con họ được trải nghiệm môi trường giáo dục tốt hơn.
Thanh Hằng - Dương Tâm