Vũ Thị Thanh Nga (nhân vật đã đổi tên) 22 tuổi, sống ở Hưng Yên cho biết, cô bị mụn được 5 năm nay, đã từng dùng rất nhiều phương pháp từ peel da, lăn kim hay dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để điều trị nhưng tình trạng da vẫn không cải thiện. Trên mặt thường xuyên xuất hiện nhiều mụn mủ, mụn viêm kèm theo tình trạng bong tróc da và sẹo rỗ khiến cô mất tự tin, ngại giao tiếp với mọi người.
Nghe nhiều người mách bảo uống thuốc tránh thai sẽ khỏi được mụn, kèm theo việc chị tìm đọc trên mạng thấy được tác dụng của thuốc cũng có tác dụng trị mụn nên Nga đã ra hiệu thuốc mua 2 liều thuốc tránh thai về uống.
Nhưng đẹp đâu chưa thấy, sau hơn 3 tuần uống thuốc, Nga đã phải đến “cầu cứu” bác sĩ với biểu hiện da mẩn đỏ, nóng rát, mụn mủ nhiều hơn, xuất hiện các vết thâm kết hợp tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân (Ảnh: BSCC)
Trực tiếp thăm khám cho Nga, BS CKII Nguyễn Tiến Thành - Thành viên Hội da liễu Việt Nam cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán mụn trứng cá kèm theo viêm da tiếp xúc kích ứng nặng, bệnh nhân có sự nhầm lẫn dùng thuốc tránh thai hàng ngày và tránh thai khẩn cấp để điều trị mụn…
“Với tình trạng này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn mụn trứng cá ban đầu, bởi đã sử dụng nhiều phương pháp như peel, bôi, lăn kim… đặc biệt điều trị sau uống thuốc tránh thai khẩn cấp khiến bệnh nhân có sự thay đổi nội tiết làm cho tình trạng mụn xuất hiện nhiều hơn”, bác sĩ Thành thông tin.
Theo vị bác sĩ, có 3 loại thuốc tránh thai hàng ngày đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt có tác dụng điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc uống toàn thân phải được bác sĩ kê đơn, đánh giá các yếu tố nội tiết, kinh nguyệt… bởi không phải tất cả mọi người đều có chỉ định sử dụng loại thuốc này để cải thiện tình trạng da của mình.
“Loại thuốc được sử dụng phải là thuốc tránh thai kết hợp, dạng viên uống hằng ngày, thường có thành phần phối hợp các nội tiết tố estrogen và progestin có tác dụng trị mụn. Nhưng thực tế thuốc tránh thai một thành phần chỉ chứa progesterone lại là tác nhân khiến mụn trứng cá trở nên tồi tệ. Nhiều người bị các loại mụn khác nhẹ hơn như mụn cám, mụn đầu đen không cần thiết sử dụng loại thuốc này.
Ngoài ra, có những chống chỉ định phương pháp này như người đang có thai, đang cho con bú, có bệnh gan, tim mạch, rối loạn đông máu, tiểu đường, ung thư vú, tắc nghẽn động mạch, tĩnh mạch…” - Bác sĩ Tiến Thành nói thêm.
Việc lựa chọn thuốc tránh thai để điều trị mụn cần phải được thăm khám, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa (Ảnh: BSCC)
Trong tình huống sử dụng sai hoặc đối tượng không đúng, bệnh nhân không chỉ không thấy cải thiện về mụn mà còn phải chịu đựng những tác dụng phụ không mong muốn từ thuốc, vì thuốc tránh thai là loại thuốc nội tiết.
“Việc lựa chọn phương pháp điều trị mụn nào, dùng bao lâu, có sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày để hỗ trợ hay không… nhất thiết phải được thăm khám, chẩn đoán và kê đơn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Ở một số người, bác sĩ còn yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm trước khi dùng thuốc, bệnh nhân nên tuân thủ để đảm bảo việc dùng thuốc an toàn.
Hiện tại việc điều trị mụn trứng cá không còn gặp nhiều khó khăn, có rất nhiều công nghệ laser, ánh sáng và những sản phẩm thuốc uống và bôi rất hiệu quả nên việc điều trị mụn trứng cá bằng liệu pháp hormone không còn sử dụng nhiều như trước”, bác sĩ Thành nói.
Thúy Ngà