Bệnh nhân là người có hoàn cảnh khó khăn đã được các bác sĩ thực hiện ghép thận từ người cho là anh trai.
Chiều 15/6, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp tổ chức Hội nghị báo cáo kết quả ca ghép thận đầu tiên tại Hải Phòng.
Trao đổi với VietNamNet, Thạc sĩ Nguyễn Đức Hoạt, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho biết, ngày 6/6, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên từ cặp ghép cùng huyết thống.
Đó là là hai anh em ruột quê ở Kiến An, Hải Phòng. Người bệnh là Nguyễn Thành Đàn, sinh năm 1991, bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần trong suốt 1 năm qua. Bệnh nhân nhận thận từ anh ruột là anh Nguyễn Thành Đạt, sinh năm 1988. Bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nhưng còn trẻ nên bệnh viện đã nỗ lực vận động các nguồn kinh phí để hỗ trợ phần nào tiền phẫu thuật.
Hội nghị báo cáo kết quả ca ghép thận đầu tiên tại Hải Phòng.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp sử dụng máy móc, trang thiết bị hiện đại nhất phục vụ ca ghép. Các bác sĩ phẫu thuật nội soi để lấy thận từ người hiến, sau đó ghép cho người nhận.
Sau hơn 4 giờ thực hiện, ca ghép thận đã thành công tốt đẹp. Thận hiến đã bắt đầu tiết nước tiểu. Sau phẫu thuật, cặp ghép được hồi sức và chăm sóc đặc biệt, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, hồi sức và chăm sóc sau ghép.
“Sau 7 ngày, cặp ghép đã hồi phục hoàn toàn. Bệnh nhân sau ghép có sức khỏe tốt, tinh thần vui vẻ, tự đi lại, ăn uống tốt, tự vệ sinh cá nhân, tiểu tiện bình thường. Xét nghiệm chức năng thận trở về bình thường. Thành công của ca ghép thận đánh dấu sự phát triển bước ngoặt về chuyên môn và tổ chức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Đây cũng là niềm tin để đơn vị tiếp tục mở ra nhiều lĩnh vực mới, chuyên sâu hơn trong khám, chữa bệnh. Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp là đơn vị y tế tuyến tỉnh, thành đầu tiên trong khu vực duyên hải phía Bắc tổ chức ghép thận thành công”, ông Hoạt thông tin.
Các bác sĩ thực hiện ca ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hoàng Minh Cường khẳng định, ghép thận là một kỹ thuật cao, chuyên sâu, đòi hỏi bệnh viện phải được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ, phòng mổ đủ tiêu chuẩn, đội ngũ nhân lực được đào tạo chuyên sâu, bài bản.
Thành công của ca ghép thận đầu tiên này đánh dấu sự phát triển mang tính bước ngoặt về chuyên môn và tổ chức của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Có thể đưa kỹ thuật ghép thận trở thành thường quy, góp phần quan trọng nâng cao uy tín, vị thế của ngành Y tế Hải Phòng, đem lại cơ hội để nhiều người bệnh bị suy thận giai đoạn cuối trở lại cuộc sống bình thường.
Cả hai anh em hoàn toàn khỏe mạnh sau phẫu thuật.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Cường trân trọng cảm ơn các chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp nói riêng và ngành Y tế Hải Phòng nói chung trong việc phát triển, hoàn thiện các kỹ thuật cao trong ngành Ngoại khoa.
Người được ghép thận ở Chợ Rẫy cách đây 30 năm vẫn sống khỏe
Tuyệt vọng vì suy thận mạn tính giai đoạn cuối, bà Thượng từng nghĩ đến cái chết vào 30 năm trước. Ca ghép thận ngày 29/12/1992 tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã viết tiếp cuộc đời bà.
Bình luận