Qua thăm khám và thực hiện cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm ruột ở trẻ sơ sinh theo dõi nhiễm khuẩn huyết, vàng da sơ sinh. Sau hơn 2 giờ cấp cứu, bệnh nhi hết sốt, giảm đừ, phục hồi màu da dưới 3 giây, chi hồng, giảm tiêu lỏng,... Bệnh nhi được tiếp tục điều trị kháng sinh truyền tĩnh mạch, theo dõi sinh hiệu và bắt đầu cho bú sữa mẹ tiếp tục ngay sau đó. Sau 5 ngày điều trị, tình trạng bé ổn định và đã được xuất viện.
Bệnh nhi phục hồi tốt sau điều trị
Bác sĩ CKI. Quách Thị Kim Phúc - Khoa Nhi, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cho biết: Nguyên nhân gây viêm ruột ở trẻ sơ sinh có thể do nhiễm trùng, dinh dưỡng qua đường tiêu hóa hoặc bất dung nạp sữa và một số nguyên nhân liên quan đến sinh bệnh học.
Các triệu chứng biểu hiện gồm 2 nhóm triệu chứng lớn ở toàn thân và tiêu hóa. Ở trẻ sơ sinh “đi ngoài” từ 3 đến 10 lần mỗi ngày là bình thường, thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ (trẻ bú mẹ thường đi phân nhiều lần hơn so với trẻ bú sữa công thức). Nếu trẻ sơ sinh đi tiêu hơn về số lần, số lượng hằng ngày gọi là bất thường.
Về tính chất bất thường phân xuất hiện lỏng hơn, màu xanh có nhầy hoặc máu, mùi tanh hôi, hoặc có bọt,… và có thể ảnh hưởng đến toàn trạng của bé như sốt, lừ đừ, bú ít hoặc bỏ bú, ọc sữa hoặc dịch xanh, bụng chướng,…
Nhiều bậc phu huynh thường chủ quan vấn đề đi tiêu của trẻ và đặc biệt cho trẻ ăn lượng sữa quá nhiều, tăng lượng sữa quá nhanh hoặc pha sữa quá đặc, đây chính là nguyên nhân chủ quan có thể gây viêm ruột ở trẻ sơ sinh.
Một số sai lầm phổ biến nhất là phụ huynh tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy, tự ý sử dụng kháng sinh hay thuốc, mẹo dân gian... khiến cho tình trạng bệnh diễn biến xấu đi, gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Để phòng ngừa bệnh lý viêm ruột ở trẻ sơ sinh, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non có nhiều kháng thể, chế độ dinh dưỡng hợp lý, tránh suy dinh dưỡng.
Lượng sữa vừa đủ theo nhu cầu của trẻ, pha sữa theo lượng khuyến cáo không pha sữa quá đặc hoặc quá loãng. Vệ sinh tay đúng cách trước và sau khi cho trẻ bú và khi chăm sóc cho trẻ.
Cần đưa trẻ đến cơ sơ y tế khám ngay khi bé có các biểu hiện: sốt, tiêu lỏng nhầy máu, ọc sữa hoặc ọc dịch xanh, lừ đừ, bỏ bú, bụng chướng,…
Đồng thời, tiêm vaccine phòng tiêu chảy cho trẻ khi trẻ được 2 tháng tuổi, hiện đã có vaccine phòng ngừa tiêu chảy do rotavirus - loại virus hay gặp nhất và dễ gây mất nước nặng ở trẻ em. Vaccine được cho trẻ uống từ 2 - 6 tháng tuổi, uống 2 lần cách nhau ít nhất 1 tháng.
Thảo Nguyên