Mặc dù dịch bệnh nguy hiểm, song Nghệ An là một trong những địa phương thực hiện tốt phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19”.
Bảo vệ tính mạng người dân là trên hết
Chiều 26/2, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch Covid-19 giai đoạn 2020 – 2023.
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh Kim Oanh.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Ngày 31/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố dịch Covid-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường và chưa có tiền lệ, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19: Thần tốc trong điều tra truy vết, thận trọng trong sàng lọc, linh hoạt trong phân tầng thu dung, điều trị các ca bệnh Covid-19; có bước đi đúng trong quản lý cách ly F1 và điều trị F0.
Đặc biệt, ngành Y tế đã tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế luôn sẵn sàng tham gia triển khai thực hiện nhiệm vụ tại các cơ sở y tế, cơ sở điều trị Covid-19, các chốt kiểm soát dịch, các khu cách ly tập trung; hỗ trợ các địa phương lấy mẫu xét nghiệm và hỗ trợ nhân lực cùng các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch.
Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Nghệ An đã chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình mới và đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Xét nghiệm cho hàng trăm học sinh THCS và tiểu học Lạng Khê, huyện Con Cuông vào ngày 14/12/2021. Ảnh Anh Ngọc.
Giai đoạn 1, 2, 3 (từ ngày 22/1/2020 đến 26/4/2021), toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp giám sát, truy vết nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. Nhiều biện pháp cách ly lần đầu tiên được triển khai trong phòng, chống dịch tại tỉnh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được Bộ Y tế quyết định là một trong 22 cơ sở trong cả nước đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19. Trong giai đoạn này toàn bộ các trường hợp F1, F2 được thực hiện xét nghiệm RT-PCR để xác định Covid-19, kết quả xét nghiệm trên địa bàn tỉnh là 44.196 mẫu, trong đó có 4 mẫu dương tính. Toàn tỉnh tổ chức cách ly điều trị cho 75.990 lượt người, trong đó cách ly tập trung là19.379 lượt người; cách ly tại nhà cho 56.611 người.
Giai đoạn 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, các địa phương khẩn trương rà soát, điều chỉnh và triển khai các biện pháp an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19.
Tính đến 31/12/2023, Nghệ An đã tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe cho hơn 1,2 triệu lượt người. Trong đó, cách ly cho khoảng 17.000 công dân trở về từ Lào; hơn 1.000 chuyên gia nước ngoài, hơn 90.000 lượt người được cách ly tại cơ sở cách ly tập trung từ tuyến tỉnh đến huyện.
Tính từ 01/01/2020 đến ngày 31/12/2023, ước tính ngành y tế thực hiện trên 2 triệu lượt xét nghiệm test nhanh, khoảng 800 nghìn lượt xét nghiệm RT-PCR. Tính đến ngày 31/12/2023, tỉnh Nghệ An đã điều trị khỏi hơn 99,9% số ca mắc (các trường hợp còn lại tự theo dõi sức khỏe tại nhà); ghi nhận 188 trường hợp tử vong do COVID-19, chiếm 0,03%, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc.
Toàn tỉnh đã thực hiện tiêm 8.334.333 triệu liều vắc xin /76 đợt. Không có vắc xin trả lại, không để vắc xin đã tiếp nhận hết hạn. Các mũi tiêm cơ bản vượt 100%.
Truy vết Covid-19 tại xã Lạng Khê ngay trong đêm. Ảnh Anh Ngọc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long khẳng định, hội nghị là dịp để tỉnh có trách nhiệm nhìn lại, đánh giá lại một cách toàn diện, đầy đủ nhất những kết quả, thành tích đã đạt được; những tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân và nhất là đúc rút các bài học kinh nghiệm sâu sắc, quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để từ đó sẽ thực hiện tốt hơn trong việc ứng phó với những vấn đề khẩn cấp y tế cộng đồng, những vấn đề bất trắc trong xã hội có thể nảy sinh, đồng thời vận dụng linh hoạt, sáng tạo có hiệu quả vào các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội của tỉnh, địa phương.
Hội nghị cũng dịp để lãnh đạo tỉnh tiếp tục biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân đã có thành tích rất xuất sắc trong công tác phòng chống dịch trong cả giai đoạn 2020-2023 đầy đủ và toàn diện; đặc biệt là dịp để tưởng nhớ, tri ân những người đã hi sinh, trải qua nhiều mất mát trong chiến trận phòng chống dịch để bảo vệ tính mạng của nhân dân.
3 bài học kinh nghiệm lớn sau đại dịch Covid-19
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý đánh giá Covid-19 là một đại dịch chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, diễn biến rất phức tạp, khó lường, khó dự báo và đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống người dân cũng như tác động sâu sắc, nhiều mặt đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh trên bình diện toàn cầu, trong cả nước, tất cả các địa phương, đơn vị trong tỉnh, tới mỗi người, mỗi nhà, mỗi khu phố...
Trong 3 năm, tại Nghệ An ghi nhận trên 500.000 ca mắc Covid-19; trên 150 trường hợp tử vong. Yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác phòng chống dịch là rất cấp bách, rất khó khăn, rất tốn kém sức người, sức của, diễn biến của dịch thời kỳ cao điểm diễn ra từng giờ, từng buổi, nên rất cấp bách.
Địa bàn Nghệ An rộng, dân số đông, giao thương mở, nguy cơ dịch xâm nhập rất cao, điều kiện cơ sở vật chất ở nhiều địa bàn còn thiếu thốn nên rất khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 44 tập thể đã có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2023. Ảnh Kim Oanh.
Qua thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh, có 3 bài học kinh nghiệm: Thứ nhất, thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống dưới; phát huy trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường công tác kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương trong công tác phòng, chống dịch.
Thứ hai là chủ động, quyết liệt, kịp thời, toàn diện, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo; luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, nhưng chủ động, linh hoạt trong triển khai phù hợp với điều kiện từng địa bàn, thực tế, trên cơ sở bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Thứ ba là bài học về khơi dậy lòng dân, phát huy sức dân; không chỉ chia sẻ trong cộng đồng xứ Nghệ mà còn hỗ trợ, chia sẻ kịp thời cho các địa phương khác khi dịch cấp bách.
Từ những bài học kinh nghiệm đó, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả rất tích cực trong phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh đã kiểm soát tốt dịch bệnh sau hơn 1 năm rưỡi xuất hiện dịch ở Việt Nam, vượt qua được 3 làn sóng dịch.
Đến làn sóng dịch thứ 4, Nghệ An có ca lây nhiễm Covid-19 trên địa bàn. Số ca mắc Covid-19 điều trị khỏi đạt 99,9%, tỷ lệ tử vong 0,03%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của toàn quốc (0,37%). Thực hiện tiêm hơn 8,3 triệu liều vắc xin, các mũi tiêm cơ bản đạt 100%; mũi 2, mũi 3 cho trẻ em cao hơn bình quân chung cả nước.
Nghệ An là một trong những địa phương nhanh chóng kiểm soát được và chuyển hướng chiến lược thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” sang trạng thái bình thường mới sau làn sóng thứ 4 đại dịch Covid-19.
Sau làn sóng dịch, kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước phục hồi nhanh chóng, đạt được nhiều kết quả rất tích cực, nhất là trong năm 2022, 2023; các hoạt động văn hóa – xã hội, an sinh có nhiều điểm sáng nổi bật; quốc phòng - an ninh được giữ vững...
Bí thư Tỉnh ủy đánh giá, đi qua đại dịch Covid-19 đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong công tác y tế cơ sở, y tế dự phòng, khả năng, năng lực thu dung, điều trị bệnh. Những nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh trước những thay đổi bất thường của môi trường sống hiện nay là rất lớn; từ đó, đặt ra những thách thức mới, nhiệm vụ mới trong thời gian tới.
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 56 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2023. Ảnh Kim Oanh.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các đơn vị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm: Thứ nhất là cần tập trung nghiên cứu, có giải pháp xử lý những vướng mắc, tồn đọng còn lại liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua; đơn cử như vướng mắc thanh quyết toán kinh phí mua sắm vật tư, sinh phẩm phòng chống dịch thành phố Vinh; đeo bám kiến nghị Bộ Tài Chính để có hướng dẫn chi trả chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập thuộc tự chủ nhóm 2 theo Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 của Chính phủ...
Thứ hai là với phương châm chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng hơn chữa bệnh, ngành Y tế cần có chính sách đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, tăng cường khả năng cung ứng dịch vụ y tế cơ sở, y tế dự phòng và nâng cao năng lực phòng, chống dịch. Tăng cường bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, nhất là cán bộ Trạm Y tế xã, y tế thôn bản và cán bộ y tế tại các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm, đầu tư phát triển lĩnh vực y tế của tỉnh theo định hướng Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, trong đó ưu tiên phát triển triển hệ thống y tế trên địa bàn thành phố Vinh trở thành Trung tâm y tế chuyên sâu khu vực Bắc Trung Bộ, phát triển một số bệnh viện thành bệnh viện hạng đặc biệt.
Thứ tư, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đơn vị và các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống khi có tình huống khẩn cấp về dịch bệnh có thể xảy ra.
Thứ năm, tiếp tục thực hiện việc tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua phòng, chống dịch theo phân cấp.
Anh Ngọc - Kim Oanh