Theo ông Vương Ánh Dương, phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng, là một trong các trụ cột của hệ thống y tế.
Phát hiện, can thiệp phục hồi chức năng sớm
Phát biểu tại tọa đàm khoa học “Phục hồi chức năng Liên bang Nga - Xu hướng phát triển mới và các thành tựu” chiều muộn ngày 20/6 do Tập đoàn Y tế Việt – Nga phối hợp Hội Phục hồi chức năng Liên bang Nga tổ chức, ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) bày tỏ sự vui mừng khi tham dự tọa đàm. Đây là một trong các hoạt động ý nghĩa chào mừng Tổng thống Nga Vladimir Putin sang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Ông Dương cho biết, phục hồi chức năng là một loạt can thiệp được thiết kế nhằm giảm khuyết tật và tối ưu hóa chức năng ở những người có tình trạng sức khỏe khi tương tác với môi trường xung quanh.
Phục hồi chức năng đóng một vai trò quan trọng, là một trong các trụ cột của hệ thống y tế, là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mãn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, đảm bảo được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng để nâng cao sức khỏe, góp phần phát triển xã hội bền vững.
“Với sự phát triển của khoa học công nghệ, phục hồi chức năng ngày càng chứng tỏ vai trò không thể thiếu trong việc phòng ngừa khuyết tật, điều trị, phục hồi chức năng, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng và nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua các phương pháp điều trị phục hồi chức năng và công nghệ trợ giúp”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, tại Việt Nam, trong những năm qua, đã có nhiều tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực phục hồi chức năng. Hệ thống chính sách, pháp luật về khám chữa bệnh, phục hồi chức năng được hoàn thiện; các quy định về chuyên môn kỹ thuật được ban hành và áp dụng hiệu quả;
Tổ chức hệ thống, mạng lưới phục hồi chức năng với 1 bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương, 38 bệnh viện phục hồi chức năng địa phương (trong đó có 10 bệnh viện y học cổ truyền về phục hồi chức năng), khoảng 550 khoa phục hồi chức năng/phục hồi chức năng tại các cấp cơ sở khám chữa bệnh từ ban đầu đến chuyên sâu và 25 bệnh viện/trung tâm thuộc y tế các Bộ, ngành, đã ngày càng được củng cố và ngày càng phát triển, làm chủ những kỹ thuật cao;
Đội ngũ nhân lực phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng; chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao hơn; công tác chăm sóc sức khoẻ phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh ở các địa phương giúp cho người bệnh, người khuyết tật được chăm sóc ngày một tốt hơn, hòa nhập với cộng đồng và nâng cao sức khoẻ toàn dân.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 đã đưa khái niệm phục hồi chức năng và quy định Điều 68 về phục hồi chức năng; Nghị định 96/2023/NĐ-CP, Thông tư 32/2023/TT-BYT hướng dẫn chi tiết Luật Khám chữa bệnh; Thông tư quy định về chức năng nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nhân lực của các cơ sở Phục hồi chức năng.
Đặc biệt, Quyết định số 569 ngày 24/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống Phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cơ sở quan trọng để triển khai phát triển tích cực, mạnh mẽ hơn hoạt động phục hồi chức năng trong thời gian tới.
Ông Dương khẳng định chất lượng dịch vụ phục hồi chức năng ngày càng nâng cao, ngày càng khẳng định hiệu quả rõ rệt trong phòng ngừa khuyết tật, phát hiện sớm, can thiệp phục hồi chức năng sớm cho người bệnh, người khuyết tật và nâng cao sức khoẻ người dân.
Đối với phục hồi chức năng Mắt tại Việt Nam, hiện nay còn chưa phát triển, tại một số BV mắt như Bv Mắt TW có tập luyện điều tiết, kích thích cơ vận nhãn, các thiết bị hỗ trợ thị lực. Trong khi phục hồi chức năng mắt giúp điều trị với trường hợp: nhược thị, lác; giúp duy trì ổn định thị lực đối với trường hợp cận thị, rối loạn điều tiết, phòng ngừa giảm thị lực và mù lòa.
Ông Dương nhấn mạnh, tọa đàm là dịp quan trọng để đội ngũ bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng được biết thêm, học hỏi về thành tựu khoa học, công nghệ phục hồi chức năng Liên bang Nga, đặc biệt là lĩnh vực phục hồi chức năng Mắt do Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng và các chuyên gia phục hồi chức năng Liên bang Nga chia sẻ, cũng như cùng nhìn lại những thành tựu đã đạt được về phục hồi chức năng tại Việt Nam và bàn thảo về những bước tiến mới, hợp tác phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng nói chung, phục hồi chức năng Mắt nói riêng giữa 02 Hội phục hồi chức năng Liên bang Nga và Việt Nam giúp nâng cao chất lượng cuộc sống và phục hồi sức khỏe cho người dân.
95% thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi không cần phẫu thuật
Chia sẻ tại tọa đàm, bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich- Trung tâm phục hồi chức năng Việt – Nga, Đa khoa Quốc tế Việt – Nga, báo cáo thành tựu ứng dụng công nghệ phục hồi chức năng của Liên bang Nga trong 3 tháng đầu năm.
Quang cảnh tọa đàm.
Cụ thể, tại Việt Nam, nhu cầu về Phục hồi chức năng đang ngày càng gia tăng, bởi số vụ tai nạn giao thông, tai nạn lao động và số ca bị thương nặng tăng từ 1,2 đến 2,4 lần. Tỉ lệ người cao tuổi chiếm 12% trong tổng dân số.
Bên cạnh đó, khí hậu thời tiết nồm ẩm cũng là yếu tố gây ra bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cơ xương khớp.
Thậm chí, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), ở Việt Nam năm 2022, có khoảng 30% người dân cần phục hồi chức năng (khoảng 30 triệu người cần được phục hồi chức năng), chủ yếu mắc bệnh rối loạn cơ xương khớp, đau lưng, thoái hóa cơ xương khớp…
Bác sĩ Vasilev Valery Leonidovich nhấn mạnh 95% thoát vị đĩa đệm có thể phục hồi mà không cần phẫu thuật. Cụ thể, nguyên nhân chính gây đau lưng không phải do đĩa đệm hay sụn bị phá hủy, mà hội chứng đau chủ yếu nằm ở các mạc cơ, cơ, dây chằng, gân.
Vận động trị liệu là một trong những phương pháp chủ yếu của phục hồi chức năng, dựa trên nguyên lý rằng cơ thể vận động giúp tái tạo, cải thiện và duy trì trạng thái chức năng của cơ- xương- khớp, hệ tim mạch và các hệ thống khác trong cơ thể.
Mục tiêu của phương pháp là với sự hỗ trợ của vận động trị liệu sử dụng các nguồn lực bên trong cơ thể để khôi phục khả năng vận động của cơ, giảm co thắt, giảm đau và cung cấp dinh dưỡng cho đĩa đệm.
Để điều trị phục hồi chức năng tại Việt Nam hiệu quả hơnÔng Dương Chí Kiên - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Y tế Việt – Nga cho hay cùng với sự phát triển của ngành y tế nói chung, sự phát triển của ngành phục hồi chức năng tại LB Nga và Việt Nam đã đem lại lợi ích lớn lao cho người dân và cộng đồng, giúp họ phục hồi sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc thường xuyên cập nhật các phương pháp phục hồi chức năng công nghệ cao, những xu hướng mới nhất từ các nước phát triển là điều vô cùng quan trọng giúp cho các y bác sĩ, kỹ thuật viên tiếp cận chuyên môn cao, hỗ trợ việc điều trị phục hồi chức năng tại Việt Nam trở nên hiệu quả hơn nữa.