Bị làm cho xấu hổ nơi công cộng, mất mặt trước đám đông chẳng khác nào một kiểu "giết người về mặt tinh thần" đối với đứa trẻ.
Gần đây có một ông bố tâm sự con trai anh vốn tính kỷ luật và năng động, học lực xuất sắc, đứng đầu thành tích quận năm lớp 6 và nhất trong đại hội thể thao toàn trường. Nhưng một đứa trẻ như vậy đã bỏ học, nhốt mình trong phòng chơi game vào năm lớp 8. Vào thời điểm then chốt của cuộc đời, cậy bé lại bỏ bê việc học và tương lai của mình. Tại sao cậu bé đột nhiên thay đổi đến mức này?
Hóa ra từ đầu năm lớp 8 cậu mê game và đã vài lần trốn học đi chơi. Một ngày, người cha không chặn được con ở quán game, đã đến trường để răn đe. Nhìn thấy con đang gục xuống bàn ngủ, ông nổi trận lôi đình, đánh con ngay tại chỗ. Bất ngờ bị đánh trước mặt bạn học và cô giáo giống như bị lột trần trước thiên hạ, kể từ đó cậu bé không chịu đến trường nữa.
Đến bây giờ người cha ân hận vô cùng. "Nếu có thể quay lại, tôi nhất định sẽ không đá con, cùng con nói chuyện chân tình. Một khi thời kỳ nổi loạn của con qua đi, mọi thứ sẽ ổn".
Không nên dạy dỗ con ở nơi công cộng và có người ngoài chứng kiến. Các chuyên gia khuyên trước khi cha mẹ muốn dạy con, cần bảo vệ lòng tự trọng của con. Ảnh: iStock
Có một video từng gây chú ý trên Weibo thời gian trước. Một cậu bé bị đánh trước mặt cả nhà và phạt đứng úp mặt vào tường vì không làm bài tập. Đứng trong góc, cậu lặng lẽ khóc.
Em trai nghịch ngợm bê một cái chậu to ra, vờ gạt nước mắt anh, cười khoái chí. Người cha ở bên cũng cười theo. Những người khác cảm thấy thú vị, thậm chí còn lấy điện thoại phát trực tiếp. Cậu bé khóc, nhưng gia đình cười. Qua màn hình, người ta có thể cảm thấy lòng tự trọng của cậu bé tan tành mây khói.
Trên thực tế, nhiều bậc cha mẹ có thói quen làm con xấu hổ để chúng "nhớ lâu" và "biết xấu hổ rồi mới có dũng khí".
Họ ít biết rằng, từ 5 tuổi, trẻ sẽ quan tâm đến việc người khác nhìn nhận mình như thế nào và xây dựng hình ảnh cũng như phẩm giá của mình. Không giữ thể diện cho con sẽ chỉ làm tổn thương lòng tự trọng của chúng và khiến chúng không cảm nhận được giá trị của bản thân.
Một cư dân mạng tên Hạ Sơ, chia sẻ trên diễn đàn Zhihu (Trung Quốc) rằng mẹ luôn mắng cô bất kể dịp nào, bất kể ở đâu. Những lời lẽ coi thường kèm giọng điệu giễu cợt, cộng với những ánh mắt cố tình hay vô ý của những người qua đường, khiến cô cảm giác suy sụp và xấu hổ. Ngay cả trên đường đến trường, mẹ vẫn luôn phê bình, dạy dỗ, làm cô không thể ngẩng cao đầu với bạn bè xung quanh.
Một lần sum họp gia đình, ai cũng khen con, chỉ mẹ nói cô học không tốt, không ngoan và so sánh với chị họ. Cô không khỏi bức xúc nói: "Hôm qua con thi tiếng Hán đứng nhất, mẹ không khen". Kết quả người mẹ dội gáo nước lạnh: "Mày còn có gan nói, sao không nói mày luôn thấp môn toán".
Lời nói của mẹ như một lưỡi kiếm sắc bén đâm vào tim cô, phủ sạch mọi cố gắng. "Lúc đó tôi chỉ muốn trả cái mạng của mình để mẹ có người con ưu tú hơn", cô tâm sự.
Chuyên gia tâm lý, nhà giáo Li Zhongying, Hong Kong, cho biết động lực cơ bản để một người tồn tại chính là "giá trị bản thân". Nói một cách đơn giản, đó là sự tự tin, yêu bản thân và lòng tự trọng. Xấu hổ là thứ giết chết ý thức về giá trị nhanh nhất.
Bạn càng coi thường, khiển trách và hạ bệ trẻ nơi công cộng, sẽ càng tước đi khả năng vươn lên của con. Như tiểu thuyết gia, bác sĩ tâm thần Bi Shumin nói, sự trưởng thành của một đứa trẻ trước hết là sự khẳng định của cha mẹ. Nếu ngay cả người thân nhất cũng coi thường, phủ nhận, đứa trẻ sẽ không thể nhìn thấy ý nghĩa tồn tại của mình.
Xây dựng, bảo vệ lòng tự trọng của trẻ, chính là bảo vệ động lực trưởng thành của con. Theo nhà tâm lý học người Mỹ James Dobson, "có hàng nghìn cách khiến trẻ đánh mất lòng tự trọng, nhưng để xây dựng lại lòng tự trọng của trẻ là một quá trình chậm chạp và khó khăn". Cha mẹ tốt cần biết cách bảo vệ thể diện của con cái trước, sau đó mới nói đến giáo dục.
Có bốn nguyên tắc cần nhớ. Đầu tiên, sử dụng phương pháp giáo dục đóng cửa thay vì dạy trẻ trước mặt người khác. Khi giáo dục con cái, tốt nhất là không nên có người thứ ba xen vào. Đây không phải để bảo vệ và che đậy, mà là điểm mấu chốt của giáo dục. Sửa sai không nhất thiết phải công khai; muốn chỉ trích, dạy dỗ thì ở một mình với con vẫn chưa muộn.
Thứ hai, giao tiếp kiên nhẫn thay vì khiến trách nặng nề. Cha mẹ nên điều chỉnh tâm lý, khi con cái gặp khó khăn không nên trách móc con một cách mù quáng mà nên giúp đỡ con.
Thứ ba, khẳng định công khai thay vì phủ định công khai. Nhiều bậc cha mẹ có thói quen xấu là nhân danh sự khiêm tốn mà không ghi nhận năng lực của con.
Nhưng trên thực tế, phương pháp thực sự hiệu quả phải là "Khen công khai, phê bình kín đáo". Do đó, nếu lời khen ngợi của người khác dành cho con là sự thật chứ không phải khoe khoang, bạn cũng có thể nhân cơ hội này để bày tỏ sự khẳng định của mình với con.
Lời khẳng định tích cực của cha mẹ mang đến cho trẻ tâm lý tích cực, sẽ chuyển hóa thành nội lực để tiến về phía trước, thành niềm tin để trẻ nhận ra giá trị của bản thân và là chất dinh dưỡng để trẻ trở nên tươi tốt, khỏe mạnh.
Bảo Nhiên (Theo Aboluowang)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×