Bà Nguyễn Thị Phương (58 tuổi, Hà Nội) là công nhân đã về hưu, chồng mất đã 4 năm. Thấy bà Phương ban ngày thui thủi một mình vì các con đều đi làm, các cháu đi học, vợ chồng con trai đã mua tặng bà một chiếc điện thoại “xịn” để bà bầu bạn, lướt mạng xã hội, giải trí.
Lúc đầu, bà Phương chỉ xem video hướng dẫn nấu ăn, trang trí nhà cửa, trồng cây… dần dần bà lướt đến những clip “đấu tố” nhau, video quảng cáo thực phẩm chức năng… Bà bắt đầu tiếp cận livestream bán hàng online rồi bình luận, hỏi giá, “chốt” đơn. Lâu dần, những thiết bị công nghệ đắt tiền, thực phẩm chức năng “thần thánh” đều có mặt trong nhà. Hàng nhận được thì “vàng thau lẫn lộn”, nhiều lần các con đã góp ý, giải thích nhưng bà anh ậm ừ cho qua chuyện rồi tiếp tục mua hàng. Cũng vì chuyện này mà thỉnh thoảng mẹ con lại giận nhau.
Không dừng lại ở đó, sự cả tin của người cao tuổi cũng là nguyên nhân khiến họ dễ bị lừa qua mạng. Ông Lê Văn Hưng (72 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết hiện nay ông có gần 5.000 bạn trên Facebook. Cứ ai gửi lời kết bạn là ông đồng ý, không cần biết nick thật hay ảo. Chỉ là thi thoảng là có tài khoản nhắn tin để vay hoặc xin tiền. Hiện nay có nhiều hình thức lừa đảo trên mạng xã hội như nạp thẻ điện thoại, giả vờ là người quen để vay tiền hoặc lừa trúng thưởng với số tiền lớn, yêu cầu tài khoản phải nộp tiền trước mới được nhận thưởng. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi rất dễ bị sập bẫy bởi sự cả tin.
Ảnh minh họa.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Khoa học Máy tính và Tự động hóa Quốc gia của Pháp (INRIA),những người trên 65 tuổi thường phát tán thông tin giả nhiều hơn những người 18-29 tuổi. Nhà nghiên cứu Ioana Manolescu, giám đốc Viện nghiên cứu cho rằng kết quả nghiên cứu này không gây ngạc nhiên bởi: “Người cao tuổi thường hay cả tin. Xung quanh chúng ta có rất nhiều người lớn tuổi chia sẻ những tin tức hoàn toàn không thể tin nổi và sai lệch mà không hề hay biết”.
Vậy là ngoài sử dụng thành thạo các tính năng trên mạng xã hội như cách đăng ảnh, chia sẻ thông tin, nhắn tin nhóm, gọi video, người cao tuổi cũng phải cẩn thận trước rừng thông tin tràn lan trên mạng xã hội.
“Không phải trên mạng nói cái gì mình cũng tin, phải biết chọn lọc”, ông Lê Văn Hưng chia sẻ kinh nghiệm.
Dành thời gian quan tâm đến người già
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hải An, người già “nghiện” mạng xã hội là dấu hiệu của sự cô đơn. Thực tế, từ sau khi nghỉ hoạt động bên ngoài xã hội, toàn bộ thời gian họ đều ở trong nhà trong khi con cháu đều đi làm khiến họ có cảm giác trống rỗng. Nhu cầu tiếp cận thông tin xã hội, trao đổi, chia sẻ, nói lên tiếng nói của mình... đều được chiếc điện thoại thông minh đáp ứng (thông qua clip sự kiện, thông tin chia sẻ trên Facebook, Zalo cá nhân, bình luận, chốt đơn hàng...) nên dần dần công cụ này trở thành người bạn thân thiết của người già.
“Người già và trẻ em đều dễ lạm dụng mạng xã hội nhưng người già có nhiều thời gian rỗi hơn nên họ sử dụng mạng xã hội cũng nhiều hơn. Họ cũng thường dễ tin vẻ hào nhoáng bên ngoài và những lời “có cánh” nên dễ trở thành ‘con mồi” của các đối tượng lừa đảo”, ông Nguyễn Hải An phân tích.
Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Hải An nói để “kéo” người già khỏi mạng xã hội, con cháu nên dành thời gian cho họ nhiều hơn. Đồng thời cần trao đổi thông tin, cảnh báo và hướng dẫn cách sử dụng mạng xã hội thông minh và an toàn để tránh bị lừa đảo hoặc vô tình chia sẻ những thông tin giả, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội.
Ảnh minh họa.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Phương Trang, Trung tâm Tham vấn Tâm lý The Sight cho rằng, mạng xã hội đã thay cuộc sống của con người và mở ra một thế giới mới đối với người già.
“Người già dùng mạng xã hội” là việc tốt, họ có thể chia sẻ kiến thức, giao lưu bạn bè, hội nhóm trên mạng để có nhiều niềm vui hơn. Thực tế, Facebook, Zalo, TikTok… đã phần nào giúp người già tránh được cảm giác cô đơn, buồn chán khi con cháu bận rộn. Sử dụng mạng xã hội cũng giúp não bộ người già hoạt động tích cực, kéo dài tuổi thọ. Người già dùng mạng xã hội là dấu hiệu của sự minh mẫn”, bà Nguyễn Thị Phương Trang nhận định.
Tuy nhiên, bà Phương Trang lưu ý đã có những rắc rối cho người dùng mạng xã hội do thiếu thông tin (nhiều nhất là bị lừa đảo), nhiều tình huống “dở khóc dở cười” khi cha mẹ theo dõi con trên mạng xã hội đã dẫn đến hiểu lầm, làm tổn thương nhau... Vậy nên, cần cân bằng quỹ thời gian và cẩn trọng khi dùng mạng xã hội để không ảnh hưởng đến cuộc sống đời thực và tránh những rắc rối làm tổn hại đến tình cảm, uy tín, tài sản…
Để tránh phụ thuộc mạng xã hội, bảo đảm sức khỏe và cảm xúc tốt, người già cần dành thời gian tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, tập thể dục, du lịch, chăm sóc cây, thú nuôi… Các chuyên gia khuyên con cháu nên dành thời gian chia sẻ, quan tâm và nhắc nhở các cụ các chiêu trò lừa đảo, tránh tình trạng việc đã rồi.
-> 4 dấu hiệu người già dự báo điều không hayThảo Nhi