BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, người mắc bệnh suy thận không nên ăn quá nhiều nho, vì nho có hàm lượng Kali cao. Cụ thể, hàm lượng Kali trong 100gr nho tươi có thể đạt 191 mg, hoặc lên đến 749 mg đối với nho khô.
Nho có hàm lượng Kali cao, người bệnh suy thận nên hạn chế ăn. Ảnh: Shutterstock
Khi thận hoạt động bình thường, nồng độ Kali trong máu luôn được kiểm soát ở mức tốt nhất. Một khi thận bị tổn thương, nếu người bệnh ăn nhiều thực phẩm chứa Kali, sẽ dẫn đến chuột rút, đau mỏi bắp tay bắp chân, liệt cơ...., hoặc nghiêm trọng hơn là tình trạng rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, ngừng tim, hay thậm chí là tử vong. Những biến chứng trên đều là hậu quả của việc tiêu thụ quá nhiều Kali và Natri, làm nặng thêm tình trạng suy thận.
Suy thận lại đa phần được bắt nguồn từ hai nguyên nhân là tim mạch (cụ thể là cao huyết áp) và tiểu đường. Do đó, khi chức năng thận ngày càng suy yếu, bệnh tim mạch và tiểu đường cũng đồng thời diễn tiến nặng. Khi chức năng thận suy giảm, khả năng lọc máu và chất thải suy giảm, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như phù nề, đau lưng, thiếu máu, khó thở... Không chỉ ảnh hưởng chất lượng cuộc sống mà ở những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh buộc phải chạy thận hoặc ghép thận, nếu không, có thể làm tăng nguy cơ tử vong.
Ngoài nho, người bệnh suy thận cũng cần hạn chế một số loại trái cây, rau củ chứa nhiều Kali khác như: cam, chuối, rau dền... Hàm lượng Kali trong 100gr chuối là 358mg Kali, ở cam là 181mg Kali... Người bệnh nên lựa chọn những loại thực phẩm có hàm lượng Kali thấp như táo, dâu, dứa (thơm), súp lơ, bắp cải, ớt...
Cũng theo bác sĩ Yến Thủy, một thói quen của người Việt là dùng nước luộc rau để thay canh, giải nhiệt hiệu quả. Tuy nhiên, nước luộc rau cũng chứa nhiều Kali và Natri, do đó không phù hợp với người bệnh suy thận. Khi luộc rau, các khoáng chất và nguyên tố vi lượng có trong rau củ sẽ tích tụ lại ở phần nước. Vì vậy, nếu dùng phần nước này sẽ làm tăng hàm lượng Kali dung nạp vào cơ thể. Thay vào đó, để hấp thu những chất dinh dưỡng có trong rau củ, người bệnh nên luộc rau từ 2 - 3 lần, sau đó ăn cái bỏ nước.
Bác sĩ Yến Thủy chia sẻ thêm, ngoài nho và nhóm thực phẩm giàu Kali, để "chung sống hòa bình" với suy thận, người bệnh còn cần lưu ý tránh các nguyên tố vi lượng sau:
- Thực phẩm giàu Natri, bao gồm thịt hộp, các món muối, cá khô, các loại nước chấm... Khi thận bị suy yếu, chức năng đào thải Natri ra khỏi cơ thể không đạt hiệu quả tối ưu, làm tích lũy Natri trong cơ thể. Hậu quả của việc này là phù nề, tràn dịch các màng, tăng huyết áp, buộc thận và tim phải hoạt động nhiều hơn, tổn thương thận càng thêm nghiêm trọng.
Hạn chế thực phẩm muối chua tốt cho sức khỏe thận. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Yến Thủy cho biết, một trong những cách giảm Natri hiệu quả nhất chính là ăn nhạt. Theo đó, người bệnh nên hạn chế muối trong chế biến thức ăn, không dùng thêm các loại nước chấm (nước tương, nước mắm...), tránh các món thịt/cá khô và muối chua. Việc giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày cũng giúp kiểm soát hiệu quả các bệnh lý tim mạch đối với tất cả mọi người.
Thực phẩm giàu phốt pho có trong thịt đỏ, lòng đỏ trứng, sữa, phô mai... Thông thường, cơ thể sẽ đào thải một phần và giữ lại một phần phốt pho để phục vụ cho các hoạt động sống. Tuy nhiên, khi thận mắc bệnh, nồng độ phốt pho tích tụ trong máu nhiều hơn, dẫn đến các vấn đề sức khỏe như cường giáp, loãng xương, xơ vữa động mạch, ngứa... Bệnh nhân suy thận cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều phốt pho, chỉ dùng trong khoảng 300-600mg/ngày.
Người bệnh suy thận có thể bắt đầu bữa sáng với miến thịt heo. Ảnh: Shutterstock
Với một người mắc suy thận mạn trước khi lọc thận, nặng 60kg, nhu cầu năng lượng được tính là: 60kg x 35kcal/kg = 2100 kcal, tỷ lệ protein 10%, lipid 25%, tinh bột 65%. Thực đơn gợi ý như sau:
Bữa sáng: Miến thịt heo với 60gr miến, 50gr thịt heo
Bữa trưa: Cơm gạo tẻ (1 bát ~ 100gr), ăn kèm gà kho gừng (50gr thịt nạc gà, 2gr gừng) và canh cải xanh (50gr cải xanh), 1 cốc 100ml nước lọc, 150gr táo, 5ml dầu ăn và muối <3gr
Bữa xế (bữa phụ): 100gr xoài
Bữa tối: Súp bí đỏ với 100gr bí đỏ
Bác sĩ Yến Thủy nhấn mạnh, tùy thuộc vào mức độ suy thận ở mỗi người sẽ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp khác nhau. Việc kiêng ăn không đúng cách không chỉ không tốt cho thận mà còn làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng. Do đó, để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh nên tuân thủ các chỉ định của bác sĩ và thăm khám định kỳ để kịp thời thay đổi chế độ ăn hàng ngày.
Phi Hồng