Thỉnh thoảng, nhai viên đá từ đồ uống lạnh không phải là vấn đề. Hành động này có thể giúp cung cấp lượng nước cần thiết, đặc biệt là trong những ngày thời tiết nóng.
Tuy nhiên, theo chuyên trang sức khỏe Very Well Health, việc thường xuyên thèm và nhai đá có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn và có khả năng dẫn đến các biến chứng về răng miệng, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng.
Ảnh minh họaVì sao nhiều người thích ăn đá lạnh?
Có nhiều lý do khiến mọi người cảm thấy thèm ăn đá. Một trong những nguyên nhân này là mất nước. Mất nước nhẹ cũng có thể khiến người ta thèm đá lạnh. Viên đá sẽ làm mát và làm dịu khô miệng và khô môi, ngoài việc làm dịu cơn khát. Chúng cũng có thể giúp hạ nhiệt độ cơ thể trong những ngày nóng nực.
Các triệu chứng của sự mất nước nhẹ là khát và nước tiểu sẫm màu hơn. Bất cứ ai có các triệu chứng mất nước nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như co giật hoặc cảm thấy chóng mặt, lú lẫn hoặc mất định hướng sẽ cần điều trị khẩn cấp.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy thèm đá có thể là kết quả của sự thiếu hụt dinh dưỡng. Các nghiên cứu cho thấy thèm đá có thể là dấu hiệu của cơ thể thiếu kẽm hoặc canxi.
Một số nghiên cứu cũng chỉ ra một vài người bị thiếu sắt có thể cảm thấy thèm đá đột ngột. Cảm giác thèm đá tăng lên khi lượng sắt trong cơ thể sắp cạn kiệt.
Ngoài ra, cảm giác thèm nhai đá có thể là dấu hiệu của hội chứng Pica. Đây là hội chứng rối loạn dẫn đến việc ăn quá nhiều các thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng thật sự.
Một số vấn đề về cảm xúc cũng có thể khiến mọi người muốn nhai những viên đá lạnh. Ví dụ, một người bị stress có thể thấy việc nhai đá lạnh giúp giải tỏa căng thẳng. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) cũng có thể là nguyên nhân. OCD là tình trạng sức khỏe tâm thần dẫn đến hành vi ép buộc hoặc suy nghĩ ám ảnh.
Ảnh minh họaNhai đá lạnh có nguy hiểm?
Nhai đá không hẳn là hành động nguy hiểm nhưng nó có thể gây ra một số vấn đề không có lợi cho sức khỏe.
Hiệp hội Nha khoa Mỹ (ADA) cho hay tác hại phổ biến nhất của việc nhai đá lạnh là nguy cơ bị tổn thương răng nghiêm trọng.
Theo đó, ADA khuyến nghị không nên ăn đá lạnh vì nó có thể khiến men răng (lớp ngoài cùng trên răng) của bạn bị bào mòn nhanh chóng, từ đó khiến răng trở nên nhạy cảm và dễ bị sâu hơn.
Nhai đá cũng có thể khiến răng bị nứt vỡ, khiến bạn bị đau nhức. Nếu không được xử lý kịp thời, vết nứt trên răng không chỉ khiến bạn vô cùng đau đớn mà có thể lan rộng, dẫn đến viêm và sâu nghiêm trọng.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, nghiện nhai đá cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ở những bệnh nhân thiếu máu mà không hề hay biết. Thích nhai đá là dấu hiệu của bệnh thiếu máu, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sắt. Khi bị thiếu sắt, cơ thể sẽ không có đủ huyết sắc tố (protein chịu trách nhiệm mang oxy đến các mô trong cơ thể), khiến con người cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, da nhợt nhạt, dễ đau đầu, chóng mặt, hụt hơi, tay chân tê lạnh…
Hiện vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào giải thích tại sao người thiếu sắt lại thích nhai đá, nhưng một số giả thuyết cho rằng việc tiêu thụ đá lạnh có thể giúp bệnh nhân thoải mái hơn. Vì vậy, bất cứ ai bị thèm ăn đá lạnh dai dẳng kéo dài hơn một tháng nên hẹn gặp bác sĩ để xem có nguyên nhân tiềm ẩn nào không.
Việc ăn đá lạnh cũng dẫn đến những vấn đề về ăn uống. Ngoài việc cung cấp nước, đá, không giống như thức ăn, không có giá trị dinh dưỡng. Đây là lý do tại sao ăn nhiều đá trong thời gian dài thay cho các thực phẩm và đồ uống khác có thể dẫn đến các vấn đề về ăn uống. Những người thèm đá lạnh có thể ăn nhiều đá hơn là họ tưởng. Thêm đường hoặc hương liệu khác vào đá có thể gây tăng cân và các vấn đề khác liên quan đến tiêu thụ đường quá mức.
--> 6 bước quản lý lượng đường máu trong mùa nắng nóng
Phương Anh